Cả ba và má Trung đều mắc bệnh lao kháng thuốc. Gia cảnh quá khó khăn nên, anh trai Trung bỏ học trước, rồi đến lượt Trung.
“Kết thúc năm học lớp 6 tôi nghỉ học, xin làm thuê tại một xưởng sản xuất nước đá. Khi đó, mỗi ngày công lao động tôi được chủ trả 30.000 – 40.000 đồng” – Trung nhớ lại.
Một năm sau đó, má Trung qua đời vì bệnh tật. Gần hai năm sau, ba Trung vĩnh viễn đi xa.
Chị gái đi lấy chồng sớm, còn người anh trai sau đó cũng qua đời vì bệnh nặng. Trung – ở cái tuổi vừa chớm thiếu niên – đã trở thành trẻ mồ côi đúng nghĩa.
Cậu thấu hiểu những vất vả, cực nhọc của việc làm thuê, làm mướn và nhìn thấy tương lai của mình đầy chông gai, mù mịt.
Trung từng nghỉ học để đi kiếm tiền nuôi bản thân (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Giữa lúc ấy, anh Lê Thoại Kỳ (năm nay 29 tuổi, cộng tác viên của Đài phát thanh và truyền hình Phú Yên, một thanh niên xông xáo trong công tác thiện nguyện) đã tìm đến tận xưởng sản xuất nước đá, gặp gỡ rồi nhận Trung làm em nuôi.
Một ngày của năm 2016, anh Kỳ khuyên Trung nên trở lại trường học vì chỉ có kiến thức mới làm chủ đời mình.
“Bản thân anh Kỳ cũng là một người mồ côi cha, thuở nhỏ chỉ sống với bà vì mẹ cũng bỏ đi làm ăn xa biền biệt mấy chục năm không về.
Nhưng anh ấy đã tự vươn lên, không bao giờ từ bỏ, tốt nghiệp hai trường đại học rồi quay lại giúp ích cho đời.” – Trung thổ lộ.
Được anh Kỳ xin trở lại ngôi trường cũ, ngồi học chung lớp với bạn bè nhỏ hơn 2 tuổi, trong khi mọi kiến thức trước đó đều đã “đổ sông đổ biển”, ban đầu Trung không khỏi lo lắng, mặc cảm.
“Tôi hạ quyết tâm, phải vươn lên. Tôi hứa với anh Kỳ là học kỳ đầu tiên trở lại trường sẽ cố gắng để thành học sinh khá.
Nhưng tôi làm được hơn như thế khi học kỳ 1 năm lớp 7 là học sinh giỏi ” – Trung nói.
Quay lại trường học, chàng trai trẻ có cú “lội ngược dòng” (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Không phụ lòng người anh nuôi, từ khi đi học lại đến hết năm học lớp 12, Trung đều đạt danh hiệu học sinh giỏi sau mỗi học kỳ.
Riêng năm lớp 12 thì Trung vào top 5 học sinh giỏi của lớp. Sau đợt thi vừa rồi, Trung trúng tuyển vào Trường đại học Luật TP.HCM.
“Khi nhận nuôi và cho tôi đi học lại, anh Kỳ nói rằng sẽ giúp tôi đến hết bậc THPT, còn nếu học tiếp lên đại học, cao đẳng thì tôi phải tự đứng trên đôi chân mình.
Tôi cũng quyết tâm như thế. Khi vào TP.HCM ổn định việc học, tôi sẽ tìm việc làm thêm để tự trang trải.
Nhưng để có tiền đóng học phí và các khoản khác bước vào năm nhất hơn 10 triệu đồng là một khoản quá lớn” – Trung bày tỏ.
Trước mắt, Trung đã có đơn gửi trường xin được chậm nộp học phí đến tháng 12-2021.
Dù đã từng hứa sẽ lo cho Trung học hết cấp 3, nhưng thâm tâm anh Kỳ vẫn muốn làm được nhiều điều hơn thế.
Anh nghẹn lòng: “Có những ngày chỉ một trái mướp mà chúng tôi nấu canh ăn hai ngày, nhưng vẫn vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục nuôi mơ ước cho các em.
Tôi sẽ cố gắng tìm nguồn tài trợ để Trung có xe máy đi lại khi đi học tại TP.HCM và để em dùng làm phương tiện mưu sinh như chạy xe ôm công nghệ chẳng hạn.”
Anh Kỳ là người đã tạo ra sự thay đổi lớn cho cuộc đời của Trung (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Dẫu biết người Việt mình còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn, nhưng được nghe và lặng nghe câu chuyện của hai anh em Trung và Kỳ, hẳn ai nấy đều rưng rưng xúc động.
Bởi họ là những con người nghèo khó mà giàu nghị lực sống vô cùng.
Đầu tiên, phải cảm phục sự nỗ lực không ngừng của chàng trai trẻ Ngọc Trung, dù cuộc đời em quá đỗi bất hạnh và đầy bi kịch.
Em từ một đứa trẻ có gia đình yên ấm, bỗng chốc mất sạch người thân, mồ côi không nơi nương tựa.
Nhưng em không bỏ rơi chính mình, không sa lầy vào nhóm bạn ăn chơi quên trời đất, em chăm chỉ đi làm để tự nuôi sống bản thân khi tuổi đời còn rất nhỏ.
Và ngày em được anh Kỳ nhận nuôi, em đã tự thay đổi số phận của mình nhờ việc chăm chỉ học tập.
Dù phải bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh, dù phải đi học với bạn bè thua mình 2 tuổi, nhưng Trung lại là người vượt lên ngoạn mục, dẫn đầu thành tích.
Chứng tỏ, em là người có thiên bẩm, có tài năng. Nếu như em được sinh ra trong một gia đình khấm khá hơn, có điều kiện hơn, hẳn là thành tích còn nổi trội hơn nữa.
Nhưng vì em là con nhà nghèo, bản thân cô độc giữa thế gian nên dù có xuất sắc bao nhiêu cũng không dám mơ mộng xa vời.
Trong khi bao người đang chật vật mong đậu Đại học điểm cao thì nỗi buồn lớn nhất đời em, chính là chẳng có tiền để đóng học phí
Còn với anh Thoại Kỳ, quả thật thế gian này hiếm có người như anh, giúp đỡ người xa lạ không hề toan tính, và nếu không có anh, hẳn số phận của em Ngọc Trung sẽ không được sáng lạn như bây giờ.
Ngày ấy, nhờ sự cưu mang của anh mà cuộc đời của một con người được xoay chuyển. Điều đặc biệt, anh chẳng giàu có gì, thậm chí anh cũng đang phải tự bươn chải.
Nhưng có lẽ, vì anh cũng từng mất đi người thân, cũng từng nghèo khổ như Trung nên anh hiểu hơn ai hết, nếu mình không nhanh tay giúp đỡ, sẽ bỏ phí một tài năng.
Thậm chí đến bây giờ, khi Trung đã hoàn thành giao ước với anh là thi đậu Đại học thì người đàn ông này vẫn còn canh cánh muốn lo tiếp cho em.
Tình cảm của họ, giờ đây chẳng khác gì máu mủ ruột rà. Từ người dưng trở thành người thân, xúc động và ấm áp quá.
Thế nên hy vọng lắm, có mạnh thường đứng ra hỗ trợ cho em Trung, để cuộc sống của em bớt nhọc nhằn, để một câu chuyện ấm áp và nghĩa tình như thế này được kết thúc có hậu, để cho xã hội có thêm niềm tin.
Cứ ở hiền sẽ được gặp lành, và sống là để cho đi chẳng cần nhận lại.
Tổng hợp